Bệnh thấp khớp, còn gọi là viêm khớp dạng thấp hay phong thấp. Là một bệnh tự miễn (là bệnh mà hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các mô của chính cơ thể mình - ở đây là các mô của khớp và xung quanh khớp).
Với bệnh thấp khớp, các khớp thường bị viêm là khớp ngón tay, cổ tay, ngón chân, khớp gối, các khớp khác...
Bệnh thấp khớp với các khớp bị viêm gây đau đớn cho người bệnh
Những ai có thể mắc bệnh thấp khớp?
Mặc dù thấp khớp là căn bệnh phổ biến ở mọi người, nhưng nó xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn là ở nam giới. Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là trong độ tuổi từ 25-50.
Đôi khi, trẻ em cũng bị mắc bệnh thấp khớp. Người ta sử dụng thuật ngữ “phong thấp nhi đồng” (“Juvenile Rheumatoid Arthritis”) để chỉ căn bệnh này ở trẻ em.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh thấp khớp?
Các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây bệnh thấp khớp. Họ biết rằng ở dạng viêm khớp này, hệ miễn dịch của người bệnh tấn công chính các mô trên cơ thể của người đó. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu nhiều điều về lý do tại sao bệnh này xảy ra và bệnh xảy ra như thế nào. Các nguyên nhân có thể gây ra bệnh thấp khớp đó là:
- Gen (người có bố, mẹ mắc bệnh này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường)
- Môi trường
- Hoóc môn.
Viêm khớp (ảnh minh họa)
Biểu hiện và triệu chứng của bệnh thấp khớp
- Uể oải và mệt mỏi
- Ăn uống không ngon miệng.
- Những khớp nhỏ tại ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân, cổ tay, khuỷu tay và mắt cá chân bị sưng tấy và đau.
- Những khớp lớn hơn, chẳng hạn như khớp gối, cũng có thể bị ảnh hưởng..
- Đau và sưng tấy đồng loạt (cùng vị trí ở cả hai tay, hai chân, v.v…).
- Khớp dần trở nên tê cứng và có thể xảy ra biến dạng khớp.
- Sáng sớm khi thức dậy, các khớp thường bị tê cứng và kéo dài hơn 30 phút.
- Các khớp bị ảnh hưởng trở nên tê cứng, nếu bất động trong một thời gian dài.
- Xuất hiện những nốt mẩn nhỏ dưới da.
Điều trị bệnh thấp khớp
Người ta sử dụng những phương pháp sau đây để chữa trị các triệu chứng thấp khớp:
- Vật lý trị liệu.
- Giảm cân.
- Liệu pháp nóng.
- Liệu pháp lạnh.
- Sử dụng thuốc.
Thay đổi lối sống – cách phòng ngừa và điều trị bệnh thấp khớp hiệu quả
Tập thể dục giúp phòng ngừa bệnh khớp
Bên cạnh sử dụng thuốc, chế độ ăn uống và vận động thể lực thích hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh thấp khớp. Những chế độ ăn uống cân bằng, giảm chất béo bão hòa, giàu omega-3... sẽ giúp ích cho bệnh nhân.
Các hoạt động thể lực luyện tập thường xuyên với cường độ thích hợp giúp cải thiện chất lượng sống cũng như chức năng cơ bắp của bệnh nhân thấp khớp, như đi bộ, leo cầu thang, nhảy dây, bơi lội, đạp xe đạp... Đồng thời cần tránh các hoạt động thể lực nặng, các hoạt động gây áp lực mạnh lên các khớp, hoặc nâng các vật nặng. Tuy nhiên người bệnh cần được nghỉ ngơi, giảm vận động khi vào đợt viêm cấp. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên ngành khi muốn bắt đầu hoặc thay đổi quá trình luyện tập.
(Theo niams.nih.gov)