Người bệnh khớp tập luyện sao mới tốt?

Mục lục [ Ẩn ]

Duy trì mật độ xương và sự săn chắc của cơ bắp, giảm nguy cơ gãy xương, loãng xương, giảm đau, tăng cường sự linh hoạt và khả năng dịch chuyển của khớp… là những tác dụng tuyệt vời của việc luyện tập thể dục thể thao đối với những người bệnh xương khớp.

Tuy nhiên, việc luyện tập không hợp lý sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như tràn ổ dịch khớp, bong gân, chấn thương… khiến bệnh càng nặng hơn.

Không phải cứ tập càng nhiều càng tốt

Chị Hường (45 tuổi), Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chọn cách đi bộ hàng ngày với hy vọng giảm đau và cải thiện vận động ở các khớp bị viêm. Tuy nhiên, vừa mới tập mà thời gian chị đi bộ đã lên tới 2h/ngày, ngay cả những đợt viêm cấp chị cũng cố gắng tập không nhiều thì ít. Vì vậy, chỉ sau khoảng 1 tháng, hai đầu gối của chị Hường trở nên viêm rất nặng, phải vào viện điều trị.

Anh Hoạt (36 tuổi), Hoài Đức, Hà Nội thường tập tạ đều đặn vào mỗi buổi sáng để tạo cơ bắp và giảm đau các khớp vai, gáy nhưng càng tập anh càng thấy đau tăng lên. Anh đi khám thì được bác sỹ chẩn đoán anh bị thoái hóa khớp rất nặng do luyện tập quá sức.

Theo các bác sỹ chuyên khoa, tập thể dục giúp người bệnh khớp cải thiện vận động và giảm đau một cách rõ rệt nhưng nếu tập không đúng cách, tập luyện quá sức, sẽ gây hại gấp nhiều lần so với những người bình thường như: căng cơ, tăng tốc độ tổn thương,  thoái hóa khớp…

Những bài tập phù hợp cho khớp?

Theo các chuyên gia về xương khớp, hệ xương khớp của con người giống như một cỗ máy, không vận động sẽ bị “oxy hóa”, vận động quá nhiều thì sẽ bị xuống cấp và thoái hóa nhanh hơn. Vì vậy, để xương khớp khỏe mạnh, người bệnh khớp cần phải vận động hợp lý, không quá sức. Tuyệt đối tránh vận động khi đang bị viêm khớp cấp. Nên lựa chọn các bài tập thể dục đơn giản, nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý và sở thích của bản thân. Bên cạnh đó, người bệnh phải khởi động làm nóng trước khi tập thể dục để tránh các chấn thương đáng tiếc có thể xảy ra.

- Bơi lội, đi bộ dưới nước: Bài tập “vàng” cho khớp. Các nghiên cứu khoa học cho thấy các vận động dưới nước là những bài tập tốt nhất cho người bệnh khớp vì chúng ít gây áp lực lên các khớp. Các môn thể thao này không chỉ cải thiện tính linh hoạt của tứ chi, giảm đau xương khớp mà còn giúp rèn luyện sức mạnh cho các bộ phận như khớp lưng, khớp hông và khớp gối. 

- Khiêu vũ, Yoga, tập dưỡng sinh: là những bài tập có động tác uyển chuyển giúp duy trì cử động của khớp, giảm cứng khớp, giảm sưng và đau khớp, tăng cường sức mạnh của cơ, giúp chống đỡ và bảo vệ khớp bị viêm. Những bài tập dưỡng sinh như bài “Xà quyền” phỏng theo tư thế của con rắn giúp các khớp dẻo dai, linh hoạt, đặc biệt là các khớp cổ tay, bàn tay. 

- Đi xe đạp:  Đây là hình thức tập luyện giúp tăng sức mạnh cơ, giảm gánh nặng lên khớp. Yên xe nên điều chỉnh ở vị trí sao cho ngồi thoải mái nhất. 

Tuy nhiên, để an toàn và hiệu quả, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sỹ về các phương pháp luyện tập và nên khởi đầu việc luyện tập với sự giảm sát của chuyên viên vật lý trị liệu. 

Hương Trần

(Theo bệnh xương khớp)

Xếp hạng: 5 (1 bình chọn)